Cơ hội tham gia vào các thương vụ lớn, trở thành cổ đông chiến lược và trông chờ vào dòng tiền dồi dào từ các hãng hàng không là động lực khiến các ngân hàng tích cực tham gia tài trợ vốn mua sắm máy bay.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế, cùng với thế giới, thị trường hàng không Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, sau 9 tháng của năm 2014, tổng lượng hành khách vận chuyển qua hệ thống đạt hơn 38 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ. Số chuyến bay cất hạ cánh thương mại cũng lên gần 280.000, tăng 13% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm đặt yêu cầu phát triển, đổi mới đội bay liên tục với các hãng hàng không, kéo theo nhiều hợp đồng bom tấn trong những năm gần đây. Giai đoạn 2007-2009, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng với Airbus đặt mua tổng cộng 26 chiếc A321-231, hay hãng hàng không tư nhân Vietjet cũng ký với nhà sản xuất châu Âu hợp đồng mua và thuê hơn 100 tàu bay năm ngoái.
Đại diện VietJetAir cũng cho hay các đơn đặt hàng sẽ đảm bảo cho kế hoạch phát triển đội máy bay mới, hiện đại trong khu vực, phục vụ kế hoạch xây dựng tập đoàn hàng không đa quốc gia của hãng.Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết việc mua thêm những dòng máy bay công nghệ hiện đại có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách, tăng tần suất, mở rộng mạng bay, đảm bảo đủ cơ số tàu bay dự phòng để luôn chủ động, ổn định khai thác, duy trì chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, để đáp ứng các hợp đồng trên, hãng hàng không cần đến lượng vốn khổng lồ trị giá hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đôla Mỹ, mà bản thân doanh nghiệp không thể tự thu xếp. Đây đã trở thành cơ hội cho các nhà băng vào cuộc, thậm chí trở thành đối tác chiến lược với các ông chủ đội bay để cung cấp tín dụng.
Tuần trước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines khoản tín dụng 160 triệu đôla Mỹ để thanh toán tiền trả trước hợp đồng mua 18 máy bay, bao gồm Boeing B787 và Airbus A350. Trước đó 3 tháng, Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) cũng tổng kết thương vụ cho Vietnam Airlines vay 100% vốn để mua Airbus A321; hay TPBank cũng tham gia tài trợ 21 triệu đôla Mỹ cho VietJetAir đặt cọc mua hai máy bay Airbus A320.
Theo đại diện TPBank, thu xếp vốn cho ngành hàng không là một hoạt động tài chính hấp dẫn, có tính thanh khoản toàn cầu. Trước khi các ngân hàng trong nước tham gia sân chơi này, nhiều đại gia nước ngoài như GECAS (Công ty tài chính hàng không thuộc tập đoàn GE - Mỹ), Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), Jackson Square (Thuộc tập đoàn Mitsubishi UFJ – Nhật) hay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Ex-Im Bank) đã tham gia cung cấp tài chính với các hợp đồng thuê và mua máy bay của VietJetAir và Vietnam Airlines trong hơn một thập niên qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại, các tổ chức tài chính luôn tìm những hướng đi mới, việc tham gia vào lĩnh vực tài chính hàng không là điều cấp thiết, phía TPBank nhận định. Đặc biệt, nhiều tổ chức trong nước cũng đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nên hoàn toàn có thể tham gia cung cấp các hợp đồng tín dụng phạm vi quốc tế và giá trị lớn.
Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ qua các hợp đồng hỗ trợ vốn đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ giữa hãng hàng không với các ngân hàng - những đơn vị đang đẩy mạnh các dịch vụ ăn theo lĩnh vực bay. Ông Nguyễn Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank nhận định việc hỗ trợ vốn nằm trong chuỗi sự kiện sau khi ngân hàng trở thành cổ đông lớn của Vietnam Airlines. "Vietcombank nhiều lần tài trợ vốn cho Vietnam Airlines trong suốt thời gian từ năm 2009 đến nay. Đến nay, mối quan hệ này đã trở thành hợp tác chiến lược dài hạn, toàn diện, sau khi Vietcombank trở thành một trong những cổ đông lớn của Vietnam Airlines", vị này nói.
Bà Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Seabank cũng đánh giá hợp đồng cho vay này sẽ mở ra cơ hội cho hai doanh nghiệp nâng quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược.
Trước đó, trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines, hai nhà băng đã mua tới 98% lượng cổ phần. "Cổ phiếu hàng không hấp dẫn với ngân hàng không hẳn vì lợi nhuận của hãng mà còn vì đầu tư vào đây mang lại nhiều lợi ích cho họ", cựu giám đốc tài chính của một hãng hàng không nhận xét.
Theo ông, dù tỷ suất lợi nhuận của ngành hàng không quá cao, nguồn tiền từ hoạt động vận tải, bán vé, tiền lương là miếng bánh ngon với giới ngân hàng. Doanh thu vận tải của Vietnam Airlines khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn tiền trên luân chuyển qua ngân hàng liên tục gồm tiền bán vé cho khoảng 1,2 triệu lượt khách mỗi tháng, chưa kể tiền trả lương cho 10.000 nhân viên, người lao động.
Do đó, ngân hàng nào được cung cấp càng nhiều dịch vụ cho hãng hàng không càng thu được nhiều tiền phí và càng kiếm lời, vì chi phí cho các dịch vụ này thường không tốn kém mà lại đều đặn.
Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính đánh giá ngoài việc hàng không đang là lĩnh vực phát triển mạnh nên tình hình tài chính sẽ ổn định hơn các lĩnh vực khác, khi ngân hàng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược còn hưởng lợi từ việc được gắn logo lên thân máy bay và theo nó bay đến khắp nơi, trong và ngoài nước, một bài toán làm thương hiệu hiệu quả.
Tháng 11 vừa qua, VietJetAir đã đưa vào hoạt động tàu bay Airbus A320 cho các đường bay quốc tế. Đáng chú ý, lần đầu tiên logo của đơn vị thu xếp vốn - Vietcombank hiện hữu trên thân máy bay. Theo ngân hàng, với hình ảnh logo trên thân máy bay, thương hiệu Vietcombank hiện hữu trong lòng các du khách trong nước và quốc tế trên mỗi chuyến đi, tạo ra ấn tượng mới mẻ cho thương hiệu.
Tuy nhiên, TPBank cũng đánh giá thị trường hoạt động thu xếp tín dụng cho hàng hàng không vẫn là thị trường tương đối hẹp bởi các tiêu chuẩn khắt khe, đòi hỏi ngân hàng phải có đội ngũ chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính hàng không, có hiểu biết sâu về luật quốc tế cũng như các thông lệ thị trường trong các giao dịch tài chính hàng không, được các định chế tài chính và tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu trên thế giới chấp thuận.
Phương Linh
- KHUYẾN MÃI HẤP DẪN (07.12.2015)
- CHƯƠNG TRÌNH TRI ÂN KHÁCH HÀNG (07.12.2015)